Đi ăn những món này, bạn phải xác định trước rằng bát, đĩa sẽ phải chất thành chồng cao. Và cũng vì thế, những món này phải rủ bạn đi ăn chung mới vui và đủ sức… ăn hết.
3 món đã ăn là bát đĩa phải chất thành chồng cao chót vót ở Sài Gòn
Theo lẽ thông thường, các quán ăn đều bán theo đơn vị 1. Một tô phở, một chén súp, một miếng bánh, một đĩa nộm. Ngay cả với những thứ thường nếu ăn một thường sẽ chẳng “bõ dính răng” như thịt nướng, cuốn gỏi, cô chủ hàng vẫn sẽ chiều mà bán cho bạn theo ý thích mà thôi. Có điều không phải món nào và quán nào cũng thế. Đơn giản bởi những đặc trưng riêng của nó.
Bánh ướt Ban Mê
Bánh ướt Ban Mê Thuột còn được biết đến với những cái tên như bánh ướt chồng dĩa hay bánh ướt trùm mền”. Khác với các loại bánh ướt khác, bánh thường để thật nhiều trong một chiếc dĩa lớn, loại bánh này cứ một dĩa chỉ xếp duy nhất một lá bánh mà thôi.
Nhưng đi kèm đó là đĩa thịt nướng, đồ chua khá đầy đặn đủ cho rất nhiều dĩa bánh. Khi ăn thì cho thịt, chả, đồ chua cuốn lại rồi chấm mà thưởng thức. Mà bạn biết đây, dĩa đồ ăn nhiều như thế, đã tốn công cuốn cuốn, gói gói, làm gì có ai chỉ ăn một lá bánh ướt rồi ngừng, nên là cứ gọi liên hồi.
Muốn ăn bao nhiêu dĩa thì kêu, ăn xong xếp dĩa chồng nhau cao vút. Tùy sức ăn, chồng dĩa của bạn sẽ dừng ở mức năm, bảy dĩa cho tới mười mấy, hai chục dĩa. Thế nên ăn bánh ướt Ban Mê chưa cần tính đến cái ngon mà nhiều người đã mê tít bởi vui. Đặc biệt nếu đi ăn chung với bạn bè, nhìn chồng dĩa ngày càng cao thì còn vui hơn nữa.
Mì 7 tô
Nếu bánh ớt chồng dĩa là kiểu ăn không thể kêu một dĩa mà ngưng thì mì 7 tô thuộc trường hợp combo cố định đã thế, nên dù muốn dù không, bạn vẫn phải kêu theo combo như thế. Mì 7 tô lần đầu tiên xuất hiện vào thời điểm cuối năm 2015, nghĩa là khách gọi phần ăn này mặc định sẽ được phục vụ 7 tô mì.
Nhưng đừng quá lo, dù là 7 tô nhưng tô mì khá bé, thêm nữa, mỗi tô chỉ khoảng 2, 3 gắp đũa nên chủ yếu ở bức cho bạn nếm thử cho biết vị mà thôi. Mì được chia ra làm hai loại là mì khô và mì có nước nhưng có điểm chung tất cả đều là mì nấu phong cách của người Hoa, trong đó sợi mì giống nhau, đều là mì trứng.
Chè mâm
Thường người ta ăn chè bằng ly hoặc chén chứ ăn chè bằng mâm thì hiếm nơi bán lắm. Thế nhưng bao năm nay, người Sài Gòn đã quen với mâm chè 16 chén ở quán Khánh Vy. Mâm chè ở đây có đến 13 loại chè khác nhau, cùng một đĩa xôi, một hũ rau câu dừa và một đĩa bánh flan.
Các loại chè ở đây rất đa dạng, nào chè khoai môn, chè bắp, chè đậu trắng, chè chuối, chè ba bà… nấu theo hương vị chủ đạo là ngọt và béo. Mỗi chén chè không quá lớn nhưng một mâm chè tất nhiên không thể 1, 2 người có thể “xử lý” hết được. Thế nên thường đến đây ăn, người ta sẽ rủ thêm bạn bè để cùng nhau chia sẻ.
Ngồi trước một mâm chè tuy có phần “vất vả” nhưng không thể phủ nhận nó có cái thú vị rất riêng. Ít nhất là cho những người muốn check in và thử cùng lúc nhiều vị chè Sài Gòn.
Theo Afamily
***
Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com