( PHUNUTODAY ) – Giảm chức năng thận lâu ngày có nguy cơ suy thận. Tuy nhiên những dấu hiệu của bệnh thận lại thường âm thầm và không có biểu hiện rõ rệt. Bởi vậy hãy chú ý đến 7 dấu hiệu sau đây để có những biện pháp kịp thời nhé.
Hầu hết bệnh thận không có bất kì triệu chứng hay dấu hiệu nào cụ thể cho đến khi nó bộc phát vào giai đoạn cuối. Có khoảng 14% dân số mắc các chứng liên quan đến thận và dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như rối loạn tim mạch, xương yếu… Đó là lí do vì sao việc nhận biết sức khoẻ của thận là một điều quan trọng, bởi việc nhận và chẩn đoán bệnh sớm sẽ giúp bạn ngăn chặn rất nhiều căn bệnh liên quan.
Ngứa và khô da
Thận phải hoạt động liên tục để đào thải các chất có hại ra khỏi cơ thể, cùng với đó là góp phần vào việc sản xuất máu và hỗ trợ cân bằng khoáng chất của cơ thể. Nếu bị mất sự cân bằng trong máu này, da bạn sẽ trở nên ngứa rát, tăng sắc tố, phát ban hoặc vàng da… Những triệu chứng khó chịu này do cơ thể bị dư lượng phốt pho hoặc do bị nhiễm độc trong quá trình chuyển hoá của cơ thể.
Luôn thấy lạnh dù ở nhiệt độ nào
Rùng mình, mệt mỏi, khó thở, mất ngủ, dễ xúc động là những dấu hiệu của bệnh thiếu máu mà nhiều người vẫn hay gặp. Lí do dẫn đến điều này là do thận của bạn đang làm chậm quá trình sản xuất hormone erythropoietin (một loại hormone kích thích tạo hồng cầu từ tuỷ xương). Thiếu máu mãn tính có thể là dấu hiệu cảnh báo thận của bạn đang gặp vấn đề nghiêm trọng đấy.
Hơi thở có mùi
Hơi thở hôi có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, nhưng một trong số đó là do nhiễm trùng đường tiết niệu. Khi một người có vấn đề ở thận, các chất dơ không được đào thải nhanh có thể chui vào đường tiêu hoá và làm cho hơi thở của bạn có mùi kinh khủng. Do đó, hãy đi khám ngay khi phát hiện ra dấu hiệu này.
Khó đi tiểu
Theo Trung tâm Thận quốc gia, thận có nhiệm vụ tạo ra nước tiểu, và do đó bất kì sự thay đổi nào trong việc tiểu tiện, ví dụ như màu sắc, tần suất, cảm giác khi đi tiểu… đều có liên quan đến thận.
Một số thay đổi phổ biến như đi tiểu thường xuyên hơn vào ban đêm hoặc với số lượng nước tiểu nhiều hơn, đi tiểu ít hơn bình thường hoặc với lượng nước ít hơn, có bọt hoặc nước tiểu có bọt hoặc máu trong nước tiểu, tiểu khó… đều có thể do bạn đang bị bệnh thận. Nếu gặp các triệu chứng này, bạn nên đi khám sớm.
Buồn nôn và nôn
Theo Trung tâm Thận quốc gia Mỹ, một hệ quả kéo theo khi bị bệnh thận là chất thải bị tích tụ trong máu và cũng có thể gây buồn nôn và nôn.
Bởi vì thận chịu trách nhiệm cho việc loại bỏ các chất thải ra khỏi cơ thể nên khi không làm tốt điều này nó sẽ dẫn đến cảm giác buồn nôn và ói mửa. Nếu bạn hay gặp các triệu chứng này, hãy đi khám sớm, đặc biệt là khi có kèm theo các triệu chứng khác.
Có hiện tượng chuột rút
Bỗng dưng có hiện tượng chuột rút đột ngột thì đừng nên chủ quan bỏ qua vì có thể là dấu hiệu cho thấy sự mất cân bằng chất điện giải bên trong cơ thể. Chính magie và kali là hai chất đóng vai trò quan trọng cho các hoạt động của cơ bắp. Do đó, nếu có sự chênh lệch về nồng độ giữa hai chất này thì nguy cơ cao sẽ dẫn đến các cơn đau cơ bắp và chuột rút.
Mặt khác, nó cũng có thể là do sự dư thừa chất điện giải. Đặc biệt là khi thận bị viêm sẽ đè nén các đầu dây thần kinh xung quanh, từ đó gây ra những cơn đau nhức khó chịu.
Cơ thể sưng phù
Việc tồn đọng nước trong cơ thể cũng có thể dẫn đến hiện tượng sưng phù ở bàn chân, sau đó là đến khuôn mặt, mí mắt và cuối cùng là toàn thân. Tình trạng này sẽ thường đi kèm cùng triệu chứng khô da, tái nhợt, nhưng lại không làm thay đổi nhiệt độ cơ thể.
Cách nhận biết dễ dàng nhất là khi bạn ấn vào vùng da bị sưng thì nó sẽ không đàn hồi trở lại sau vài giây. Một số triệu chứng khác đi kèm với dấu hiệu này mà bạn không nên bỏ qua là đau đầu, buồn ngủ, tê nhức xương khớp và các cơ…