|
Nghệ nhân Phạm Thị Ánh Tuyết hướng dẫn du khách nước ngoài học nấu các món đặc sản của Việt Nam. Ảnh: Ngọc Linh |
Trong hội thảo “Bảo tồn và phát triển ẩm thực truyền thống Việt Nam” tại Hà Nội cách đây không lâu, ông Vương Xuân Tình, Phó Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam đánh giá, Việt Nam là quốc gia có ẩm thực phong phú, độc đáo và ẩm thực Việt Nam phù hợp với nhiều đối tượng khách ở khắp nơi trên thế giới.
Còn theo Nghệ nhân Phạm Thị Ánh Tuyết, ẩm thực nước ta rất được khách nước ngoài ưa chuộng, vì nó không nhiều mỡ, nhiều dầu như món ăn của Trung Quốc, không cay bằng món ăn Hàn Quốc, luôn có các loại rau tươi, khiến món ăn thêm hấp dẫn, đẹp mắt. Một số chuyên gia nhận xét, các món ăn Việt hầu hết đều gần gũi với thiên nhiên, giàu dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe nhưng cũng rất thanh tao; cách chế biến của ẩm thực Việt cũng khá đa dạng, từ những nguyên liệu rất bình thường có thể tạo nên những món ăn đặc sắc.
Ông Lê Công Năng, Trưởng phòng Tiếp thị và Truyền thông, Công ty Lữ hành Vietrantour cho biết, khách nước ngoài đến Việt Nam rất thích các món ăn Việt Nam, nhất là các món ăn đường phố. Không ít nguyên thủ quốc gia đến nước ta sau khi thưởng thức ẩm thực Việt cũng đã dành những lời ngợi khen. Đó là sự quảng bá tuyệt vời cho ẩm thực Việt, du lịch Việt, càng làm rõ nhận định, ẩm thực Việt Nam hấp dẫn cả khách nội địa và khách quốc tế. Hơn 10 năm trước, Philip Kotler – cha đẻ của tiếp thị kinh doanh hiện đại – từng nói rằng, Việt Nam có khả năng trở thành "bếp ăn" của thế giới và khuyên ngành Du lịch Việt Nam nên tiếp cận theo hướng này.
Trong khi đó, Hà Nội lại là hình ảnh thu nhỏ về ẩm thực Việt Nam. Những món ngon nổi tiếng của các vùng, miền đều hội tụ tại Thủ đô. Vào năm 2017, tờ Telegraph (Anh) đã xếp Hà Nội vào nhóm những thành phố được coi là “thiên đường ẩm thực” cho du khách cùng với London (Anh), Tokyo (Nhật Bản)… Trước đó, phở và gỏi cuốn – những món ẩm thực Việt Nam thường có mặt tại các nhà hàng, quán ăn ở Hà Nội cũng được Hãng Truyền hình Mỹ – CNN bình chọn là những món ăn tuyệt vời nhất thế giới…
Điều đó lý giải vì sao một số công ty lữ hành ở khu vực phố cổ Hà Nội bận rộn với các tour đưa khách thưởng thức các món ăn đường phố Hà Nội. Còn cửa hàng ẩm thực Việt của Nghệ nhân Phạm Thị Ánh Tuyết tại phố Mã Mây luôn nườm nượp khách, nhất là khách nước ngoài…
Cần khai thác đồng bộ
|
Du khách nước ngoài thưởng thức ẩm thực ở phố cổ Hà Nội. |
Điều này cho thấy, ẩm thực rất được coi trọng. Trong nội dung hợp tác quảng bá du lịch giữa Hãng CNN (Mỹ) và TP Hà Nội từ đầu năm 2017 đến nay, ẩm thực cũng là đề tài luôn được đề cập. Nhờ đó, du khách biết đến Việt Nam nhiều hơn và háo hức muốn đến Việt Nam hơn.
Điều này cũng phù hợp với thực tế hoạt động du lịch hiện nay. Theo Hội Lữ hành ẩm thực thế giới, 87% số tổ chức được điều tra đã xác định du lịch ẩm thực là yếu tố chiến lược với điểm đến và 82% số được điều tra cho rằng du lịch ẩm thực là động lực quan trọng cho phát triển du lịch. Còn theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam, ẩm thực tác động rất lớn đến kinh tế, nhất là du lịch, bởi phần ăn uống, dịch vụ chiếm đến 70% doanh thu của ngành.
Tuy nhiên, muốn hiện thực hóa mục tiêu “sớm đưa Hà Nội trở thành bếp ăn của thế giới”, phải có cách làm căn cơ, chiến lược bài bản. Từ trước đến nay, du lịch Hà Nội mới chỉ tập trung khai thác ở khía cạnh lịch sử, văn hóa, di tích; chưa chú trọng đến ẩm thực.
Ông Lê Công Năng cho biết, dù Hà Nội có nhiều món ngon, nhưng các đơn vị lữ hành cũng chưa thể xây dựng các tour ẩm thực. Bởi lẽ, Hà Nội chưa có các chuỗi nhà hàng Việt đạt chuẩn để đáp ứng nhu cầu của nhiều du khách cùng một lúc. Nhu cầu ấy không chỉ là thưởng thức món ăn, mà còn là trải nghiệm chế biến món ăn, thậm chí có thể tự tay làm món ăn…
Đại diện Vietbeauty Tours cho biết thêm, hiện tại doanh nghiệp mới chỉ phục vụ khách nhỏ, lẻ, thưởng thức các món ăn đường phố nổi tiếng ở Hà Nội; còn chưa dám tổ chức đoàn lớn, vì chưa địa điểm nào đủ điều kiện.
Ngay cả cửa hàng ẩm thực Việt của Nghệ nhân Phạm Thị Ánh Tuyết, một trong số ít địa điểm ẩm thực tại Hà Nội có thể giúp khách trải nghiệm chế biến, thưởng thức món ăn cũng chỉ chứa được lượng khách rất hạn chế. Do vậy, Hà Nội cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về du lịch ẩm thực trên nhiều kênh truyền thông, tại các sự kiện du lịch trong và ngoài nước cũng như đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu của du khách…
"Hà Nội xây dựng những chuỗi nhà hàng ẩm thực Việt đạt chuẩn, từ thực phẩm sạch đến bếp sạch, cùng với nhiều hình thức hoạt động phong phú tại đó để khách không chỉ thưởng thức, mà còn trải nghiệm chế biến. Khi có các chuỗi nhà hàng như vậy, các doanh nghiệp mới có thể xây dựng tour ẩm thực, qua đó tăng sự lựa chọn cho du khách, thúc đẩy tăng mạnh lượng du khách tới Hà Nội", ông Lê Công Năng đề nghị.
Tiềm năng về ẩm thực là động lực để Hà Nội phát triển du lịch trong thời gian tới. Vấn đề còn lại là cả cơ quan quản lý cùng các doanh nghiệp chung tay, có những bước đi bài bản, chuyên nghiệp để xây dựng thương hiệu “bếp ăn” của thế giới cho Hà Nội.