Đối tượng thường gặp nhất của bệnh tinh hoàn ẩn là trẻ dưới 6 tuổi. Bệnh được chuyên gia khuyến cáo nên phát hiện và điều trị kịp thời. Việc lựa chọn thời gian điều trị tốt nhất chính là giai đoạn trẻ từ 1-2 tuổi, tuy nhiên nhận thức của các bậc cha mẹ về các triệu chứng, sự ảnh hưởng và phương pháp điều trị bệnh vẫn chưa đủ.
Triệu chứng và cách phát hiện
Cha mẹ có thể nhận biết, phát hiện triệu chứng tinh hoàn ẩn ở trẻ khi quan sát thấy túi bìu không cân đối như một bên trông bình thường nhưng 1 bên lại lép xẹp ( tinh hoàn ẩn 1 bên) hay cả hai túi bìu đều xẹp (tinh hoàn ẩn 2 bên).
Không chỉ quan sát, cha mẹ hãy sờ và nắn bìu. Nếu không thấy đủ 2 tinh hoàn hay không thấy tinh hoàn ở 1 hoặc cả 2 bên, hãy nắn tại ống bẹn để biết vị trí của tinh hoàn bị ẩn. Có 1 số trường hợp tinh hoàn khi ở bìu, lúc lại co lên trên ống bẹn. Và khi khám, bác sĩ bằng động tác dùng tay đẩy tinh hoàn xuống bìu được nhưng khi bỏ tay ra thì tinh hoàn lại bị kéo lên trên cao, ngoài túi bìu.
Nguy hại của tinh hoàn ẩn ở trẻ
Tinh hoàn ẩn ở trẻ nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ra vô sinh khi trẻ trưởng thành. Đồng thời, bệnh lý này còn có khả năng gây loạn sản, dẫn tới ung thư hóa ở tinh hoàn ẩn. Ngoài ra các biến chứng khác có thể gặp do tinh hoàn ẩn như xoắn vặn tinh hoàn, chấn thương vỡ tinh hoàn ẩn…
Phương pháp chẩn đoán
Cách thăm khám để chẩn đoán thông thường nhất được bác sĩ khuyên cha mẹ kiểm tra với trẻ là sờ nắn 2 bên để so sánh. Còn với chuyên gia, khi cách sờ nắn này không thể tìm thấy vị trí tinh hoàn ẩn thì phương pháp chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm sẽ được áp dụng.
Cụ thể, với cách siêu âm sẽ giúp phát hiện dễ dàng vị trí, kích thước tinh hoàn mà hoàn toàn vô hại. CT Scan cũng có thể áp dụng để phát hiện tinh hoàn ẩn ở bất kỳ vị trí nào. Ngoài ra có thể thử nghiệm test sinh hóa HCG, Testosteron, xét nghiệm nhiễm sắc thể…
Phương pháp điều trị
Khi xác định được bệnh lý này ở trẻ cùng các điều kiện cho phép, bác sĩ sẽ thực hiện điều trị với 2 phương pháp chủ yếu là nội khoa và ngoại khoa.
Phương pháp nội khoa có tác dụng kích thích tinh hoàn phát triển và di chuyển. Hiệu quả của phương pháp này được đánh giá ở 45% tinh hoàn ẩn ở ống bẹn xuống được bìu và 20% tinh hoàn ẩn từ trong ổ bụng xuống được bìu. Phương pháp ngoại khoa còn lại sẽ chỉ được chỉ định khi điều trị nội tiết thất bại và nên thực hiện trước 2 tuổi để đạt hiệu quả cao nhất. Trường hợp tinh hoàn ẩn cả 2 bên thì việc mổ sẽ giãn cách thời gian cho từng bên là 6-8 tháng.
Các bậc cha mẹ khi thấy triệu chứng tinh hoàn ẩn ở trẻ nhưng chậm trễ điều trị, để tới giai đoạn trẻ dậy thì có thể làm cho tinh hoàn teo mất chức năng hoặc nguy cơ thoái hóa cao và buộc phải cắt bỏ tinh hoàn teo.
Lời khuyên: Chuyên gia khám nam khoa khuyên mỗi bậc cha mẹ sau khi nhận thức đầy đủ được về bệnh tinh hoàn ẩn ở trẻ, nên có những kế hoạch thăm khám kịp thời, tránh ảnh hưởng sức khỏe của trẻ hiện tại và tương lai.
Nguồn: http://namkhoa.net.vn/tinh-hoan-an-o-tre/